Đặc tính kỹ thuật Súng trường Mosin

Mẫu súng Mosin-Nagant 1891 đời đầu (trên) và mẫu Mosin-Nagant M38 Carbine đời sau (dưới).Phiên bản súng trường Mosin-Nagant M91/30 với ống ngắm PU dùng cho bắn tỉa. Chú ý tay khóa nòng loại gập chuyên dùng cho cho loại bắn tỉa.
  • Cỡ nòng 7,62mm, nòng súng dài 730mm, toàn bộ súng dài 1,533m (bao gồm cả lưỡi lê), nặng 4,0 kg. Là loại súng trường không tự động bắn phát một, lên đạn bằng khóa nòng thủ công, sử dụng hộp tiếp đạn một hàng đơn (khác với M1 Garand và súng SKS sử dụng hộp tiếp đạn đôi) chứa được 5 viên, đạn cỡ 7,62x54R mm.
  • Tốc độ bắn : 10 - 15 phát/phút, 20 phát/phút (đối với xạ thủ giỏi), sơ tốc đầu đạn 865 m/s nhờ nòng súng dài, đường đạn ngoài xa nhất 3.500m, tầm bắn (trên thước ngắm) 1.000m, tầm bắn hiệu quả 800 m. Dùng được nhiều loại đạn cỡ 7.62×54mmR. Khi sử dụng kính ngắm quang học và các loại đạn đặc biệt, có liều phóng lớn, xạ thủ bắn tỉa có thể nâng tầm bắn có hiệu quả đến 1.200 m.
  • Đạn của súng có sức xuyên phá rất mạnh, có thể xuyên thủng tấm thép dày 18mm hoặc "xuyên táo" được 3-5 người (không có áo giáp chống đạn) nếu bắn ở cự ly dưới 300 mét. Tại Chiến dịch Krym-Sevastopol (1941-1942), nữ xạ thủ bắn tỉa nổi tiếng Lyudmila Mikhailovna Pavlichenko từng lập thành tích bắn "xuyên táo" hạ 3 lính Đức Quốc Xã chỉ với 1 phát đạn ở cự ly 300 mét.
  • Súng rất dễ chế tạo nhờ cơ cấu hoạt động đơn giản, vật liệu làm súng dễ tìm kiếm. Súng không đòi hỏi phải trải qua quá nhiều công đoạn gia công phức tạp như những mẫu súng lên đạn từng viên khác cùng thời với nó. Nhiều chuyên gia vũ khí Mỹ cho rằng nó được thiết kế để phù hợp với một anh lính Nga thô kệch, to khỏe. Độ tin cậy của nó rất cao. Nó rất hiếm khi hỏng hóc dù phải chiến đấu trong điều kiện chiến đấu rất khắc nghiệt như băng giá, bụi cát (hoặc bùn lầy).
  • Tốc độ bắn tuy chậm nhưng bù lại, súng bắn rất chính xác, tầm bắn của súng rất xa nên được còn được sử dụng làm súng bắn tỉa. Phiên bản bắn tỉa của Mosin-Nagant được lắp thêm ống ngắm quang học (PU, PE) bên sườn trái và tay khóa nòng gập để khi lên đạn không bị vướng gá kính ngắm. Trong Thế chiến thứ hai, các đơn vị bắn tỉa của Hồng Quân được phiên chế tới cấp sư đoàn, đều sử dụng Mosin-Nagant làm súng bắn tỉa. Đây là một trong những khẩu súng bắn tỉa có uy lực lớn nhất thời đó, ngang hàng (hoặc mạnh hơn) với những khẩu Karabiner 98k của Đức, M1903 Springfield của Hoa Kỳ, Lee-Enfield của Anh, Arisaka của Nhật,...
  • Nhờ tầm bắn xa và đạn có uy lực mạnh, súng có thể dùng để bắn hạ máy bay ở độ cao thấp (bay ở độ cao vài trăm mét trở xuống). Trong chiến tranh Việt Nam, phi công Mỹ đã được khuyến cáo phải đề phòng súng trường K-44 trong tay dân quân Việt Nam, bởi nếu một viên đạn K-44 bắn trúng thùng nhiên liệu, buồng lái hoặc bộ phận điều khiển có thể làm máy bay rơi[3]
  • Nhược điểm: súng dài và khá nặng nề, thời gian nạp đạn lâu, tốc độ bắn chậm (vì xạ thủ phải dùng tay mở chốt khóa nòng sau mỗi phát bắn). Tuy nhiên, những nhược điểm này ở thời điểm súng được chế tạo (cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX) không phải là vấn đề quá nghiêm trọng bởi vì vũ khí bộ binh chủ yếu của các nước thời đó cũng đều là súng trường bắn phát một, cũng cồng kềnh và bắn chậm gần như nhau (ví dụ như khẩu Karabiner 98k của Đức, Shiki 38 (Arisaka Type 38) của Nhật, M1903 Springfield của Mỹ hoặc Lee-Enfield của Anh.... đều là súng bắn phát một). Phải tới Thế chiến thứ hai, khi mà súng trường bán tự động (như SVT-40, Gewehr 43, M1 Garand) hay súng trường tấn công (như AK-47, M16, FN FAL) (thời hậu chiến) dần trở nên phổ biến hơn thì Mosin Nagant mới mất đi vai trò chủ lực của mình, tuy nhiên súng vẫn tiếp tục phục vụ trong vai trò súng bắn tỉa cho đến tận bây giờ. Các nhóm phiến quân ở Iraq, Syria vẫn sử dụng Mosin-Nagant làm súng bắn tỉa, và những khẩu súng này vẫn còn chiến đấu rất tốt ở cái tuổi 129 của mình.